Ai cũng quen gọi ‘Mạnh Thường Quân’ nhưng ít người biết ông đích thực là ai?

Ai cũng quen gọi ‘Mạnh Thường Quân’ nhưng ít người biết ông đích thực là ai?

Người ta đã quen dùng từ Mạnh Thường Quân để chỉ những nhà tài trợ hảo tâm, từ thiện. Tuy nhiên nguồn gốc của nó thì không phải ai cũng hiểu rõ. Đằng sau cái tên ấy là rất nhiều câu chuyện ý nghĩa.

Hãy cùng vặn ngược kim đồng hồ về ngược lại 2500 năm trước khi Trung Quốc đang ở thời kỳ “Chiến Quốc”. Đó là lúc thiên hạ rối ren, loạn lạc, mỗi chư hầu nổi dậy cát cứ một nơi. Mạnh nhất có 7 nước: Tần, Sở, Tề, Hàn, Yên, Triệu, Nguỵ, gọi là “Thất hùng”, liên tục xảy ra tranh chấp quân sự.

Dù chiến loạn liên miên nhưng đây lại là một trong những thời kỳ phát triển rất rực rỡ của văn minh, học thuật, kỹ thuật. Đồng thời Chiến Quốc cũng là thời đại sản sinh ra rất nhiều bậc anh hùng, văn võ thao lược. Người ta thường nhắc đến “Tứ đại công tử” thời Chiến Quốc bao gồm: Mạnh Thường Quân nước Tề, Bình Nguyên Quân nước Triệu, Tín Lăng Quân nước Nguỵ và Xuân Thân Quân nước Sở. Trong số đó, Mạnh Thường Quân chính là người hoạt động sớm nhất.

Chiêu hiền đãi sĩ

Mạnh Thường Quân tên thật là Điền Văn, con trai của Tướng quốc Điền Anh, người nước Tề thời Chiến Quốc. Sau khi thân phụ qua đời, ông cũng được phong làm Tướng quốc, ăn lộc ở đất Tiết. Vốn là người nghĩa hiệp, thích kết giao, Mạnh Thường Quân có lúc nuôi tới 3000 người trong nhà. Phàm là những người tìm đến Mạnh Thường Quân xin tá túc đều được ông cung phụng đầy đủ, ít nhất cũng có cơm ăn, áo mặc. Những người này được gọi với một cái tên là “thực khách”.

Danh tiếng của Mạnh Thường Quân nhờ thế vang khắp thiên hạ. Môn khách kéo đến với ông mỗi lúc một nhiều. Do đó, ở nước Tề, ông trở thành nhân vật có sức ảnh hưởng lớn nhất, thậm chí còn vượt quá cả vua Tề. Các nước khác thấy Tề có Mạnh Thường Quân nuôi đến hàng nghìn nhân tài trong nhà nên cũng không dám manh động cử binh tiến đánh.

Món quà của Phùng Hoan

Trong số 3000 thực khách của Mạnh Thường Quân có một người tên là Phùng Hoan. Người này bình thường không có tài gì nổi bật nhưng vốn tính trung hậu, đáng tin.

Nguyên trong nhà Mạnh Thường Quân nuôi đến hàng ngàn thực khách, chi tiêu, ăn uống cũng là một vấn đề. Mạnh Thường Quân đành phải cho dân ở ấp Tiết (đất phong của mình) vay nợ lãi để lấy thêm thu nhập. Một hôm, quản gia dâng sổ sách lên báo với Mạnh Thường Quân rằng số tiền trong nhà chỉ còn đủ chi dùng trong 1 tháng.

Mạnh Thường Quân gọi Phùng Hoan đến, giao cho đi lấy nợ lãi ở ấp Tiết. Trước khi đi Phùng Hoan hỏi: “Lần này thu nợ về xong, chủ nhân có cần mua thêm gì về không?”. Mạnh Thường Quân trả lời vu vơ: “Ngươi thấy trong nhà còn thiếu thứ gì thì cứ mang về đây vậy!”.

Phùng Hoan đến nơi, thấy rằng những người mắc nợ đều là dân nghèo bèn ra lệnh đốt sạch sổ sách ghi nợ. Ông cho gọi dân ấp Tiết đến và bố cáo rằng: “Mạnh Thường Quân cho vay nợ không phải vì lợi lộc mà muốn để mọi người mưu sinh, lập nghiệp. Mạnh Thường Quân có mấy ngàn khách ăn trong nhà, chi dùng không đủ nên bất đắc dĩ mới phải đòi nợ lãi để nuôi khách. Nay người có tiền đã lập văn tự hứa trả còn người nghèo khổ không thể trả thì miễn cho. Mạnh Thường Quân làm ơn cho dân ấp Tiết như thế quả là hậu!”. Dân chúng nghe xong đều sụp xuống lạy tạ, tôn Mạnh Thường Quân như cha mẹ.

Phùng Hoan trở về yết kiến Mạnh Thường Quân. Nghe chuyện ông tự tiện đốt văn tự ghi nợ, Mạnh Thường Quân giận lắm, nói: “Nay mấy nghìn thực khách ăn không đủ cung ứng. Ông lại đem hết giấy tờ ghi nợ đốt bỏ đi. Vậy ý là làm sao?”.

Phùng Hoan bình thản nói: “Trước khi đi, chủ nhân có dặn nhà thiếu thứ gì thì mua về. Nay tôi thấy trong nhà tiền bạc, mỹ nữ đều có đủ cả, chỉ thiếu nhân nghĩa mà thôi. Chuyến này tôi đi là dùng số tiền nợ kia mua về nhân nghĩa cho chủ nhân vậy!”.

Mạnh Thường Quân nín lặng, đành bỏ qua nhưng trong lòng vẫn còn cảm thấy không thoải mái lắm. Về sau, có người gièm pha Mạnh Thường Quân với vua Tề. Vua Tề bèn cách chức ông, thu ấn tướng quốc, chỉ cho về ấp Tiết ăn lộc. Lúc này, môn khách của Mạnh Thường Quân cũng tản mát đi cả. Duy chỉ có Phùng Hoan vẫn ở lại bên cạnh, cầm cương đánh xe cho Mạnh Thường Quân.

Khi vừa trở về ấp Tiết, dân chúng không quản ngại, lặn lội ra ngoài trăm dặm đón Mạnh Thường Quân, lại còn dâng cơm rượu, chúc tụng, nhắc đến chuyện nhân nghĩa xưa kia. Mạnh Thường Quân khi ấy mới hiểu được điều mà Phùng Hoan làm ngày trước, quay lại nói: “Ta thực quá hồ đồ, khi xưa còn trách móc ông. Giờ mới hiểu được nhân nghĩa mà ông mua cho ta nghĩa là thế nào”.

Nhân nghĩa là gốc của đạo làm người

Nhân nghĩa luôn là cái gốc của đạo xử thế, đạo làm người. Đó cũng là giá trị mà Nho gia gìn giữ suốt hàng nghìn năm qua. Mạnh Thường Quân nghĩa hiệp, sẵn sàng cưu mang hàng nghìn khách lạ trong nhà, không phân biệt sang hèn. Rất nhiều môn khách có thân phận tưởng thấp kém, tầm thường. Nhưng đôi khi chính họ đã trở thành “cứu tinh” cho Mạnh Thường Quân như câu chuyện đã kể ở trên.

Nhân nghĩa đôi khi không thể tính đếm được bằng con số, không thể đo lường được bằng bạc tiền. Phùng Hoan đã dạy Mạnh Thường Quân một bài học thấm thía về đạo nghĩa làm người. Phùng Hoan đã đổi một số tiền nợ có hạn để thu về một giá trị vô hạn: nhân tâm. Mạnh Thường Quân có thể mất đi công danh, chức tước và bổng lộc. Nhưng cái được của ông là lòng người. Đó là giá trị mà suốt hàng nghìn năm qua, biết bao anh hùng luôn mong muốn có được. Bởi lẽ, đắc được nhân tâm thì sẽ có cả thiên hạ.

Ở một ý nghĩa khác, câu chuyện của Mạnh Thường Quân cũng cho thấy bài học sâu sắc về lẽ hành xử ở đời. Trong cuộc sống, không phải lúc nào bạn cũng được thuận buồm, xuôi gió. Dù là ở trong hoàn cảnh nào, giàu sang hay nghèo khổ, phú quý hay tủi nhục, hãy luôn giữ vững thiện niệm và lòng nhân nghĩa, tranh thủ tích đức, hành thiện. Đến khi sa cơ lỡ vận, bạn có thể mất tất cả nhưng phúc đúc và nhân nghĩa lưu lại sẽ trở thành tài sản đáng quý nhất nâng đỡ chúng ta đi tiếp chặng đường dài.

Theo Hữu Bằng /DKN

Chìa Khóa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *