ĐỒNG TIỀN HẠNH PHÚC

ĐỒNG TIỀN HẠNH PHÚC

Có một câu chuyện đời xưa mang tên “Đồng tiền hạnh phúc” có nội dung như sau :

Ông Ha-tim là một người giàu có và rất tốt bụng, nhưng Vua xứ Mã Lai nghe lời những kẻ ganh tị muốn hãm hại ông, nên tức giận ông. Bạn bè của Ha-tim nói: “Chúng tôi sẽ chiến đấu chống lại nhà Vua”, nhưng Ha-Tim nói rằng: “Không, tôi sẽ đi trốn. Sau một thời gian, Vua sẽ biết rằng tôi không làm điều gì xấu cả, và tôi là bạn của ông ấy”.

Vì vậy Ha-tim bỏ đi và không ai biết được ông ta trốn ở đâu. Nhà Vua tuyên bố: “Ta sẽ thưởng 500 đồng tiền vàng cho kẻ nào nói cho Ta biết Ha-Tim đang trốn ở đâu”. Bộ hạ của nhà vua treo những tấm yết thị trên những bức tường trong thành phố.

Nhưng không ai tìm được Ha-tim. Không ai biết ông ấy ở đâu.

Có một người tên là I-ra-him. Anh ta rất nghèo. Anh làm việc cật lực và cảm thấy hạnh phúc, nhưng vợ anh lại không thấy hạnh phúc. chị nói: “Túp lều này quá nhỏ. Quần áo em quá cũ rồi. Khu vườn chỉ toàn là đá, chẳng có cây cối gì cả!”.

Một ngày kia, I-ra-him cùng vợ rảo bộ trong rừng đến một ngọn đồi nhỏ. Cả hai leo lên đồi ngồi nghỉ. Vợ của I-ra-him nói: “Em thật là bất hạnh. Con của chúng ta không có thức ăn ngon để ăn. Túp lều thì quá nhỏ. Giá mà chúng ta có tiền, chúng ta sẽ mua thêm ruộng. Chúng ta sẽ trồng trọt thêm thực phẩm. Chúng ta sẽ có một mái nhà ấm cúng hơn. Tất cả chúng ta sẽ thật hạnh phúc. Giá mà anh bắt được Ha-tim, thì nhà vua sẽ thưởng cho anh 500 đồng tiền vàng. Rồi anh sẽ mua thêm đất, sẽ có nhà khang trang, và chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao! ”.

“Đừng nói như vậy !”. I-ra-him trả lời.

Lúc ấy, Ha-tim đang ẩn núp trong một cái hang cạnh đó, và ông tự nhủ lòng: “Người đàn bà này thật tội nghiệp! 500 đồng tiền vàng sẽ làm cho bà ta hạnh phúc! Ta đã già, và không muốn sống thêm nữa”.

Thế là ông bước ra khỏi hang động. Ông ta nói với I-ra-him : “Ta là Ha-tim. Anh hãy mang ta đến cho nhà Vua đi ! Ông ta sẽ cho anh 500 đồng tiền vàng, và anh cùng vợ sẽ hạnh phúc”.

“Không! Không! Không! Nhà Vua sẽ giết ông mất. Ông là người tốt. Chúng tôi không tham tiền đâu”. I-ra-him dứt khoát từ chối.

Lúc bấy giờ có một số người đi lên đồi. Họ trông thấy I-ra-him, vợ anh ta và một người đàn ông nữa. Họ bước tới gần hơn.

Một trong số đó tên là Áp-đun. Áp-đun nói: “Người này là Ha-tim. Nhà vua sẽ thưởng 500 đồng tiền vàng cho bất cứ người nào mang hắn đến cho ông ta. Tao sẽ mang Ha-tim đến cho nhà vua”. Một người khác tên là Ra-mát nói: “Ồ, không! Tao thấy hắn trước tiên mà ”. Áp-đun nói: “Nhưng mày không biết hắn là ai”. Một người khác tên Kát-sim nói: “Tao nhận ra hắn từ đằng xa, nhưng tao im lặng, vì tao tưởng rằng mày không biết. Tại sao tao lại phải để cho mày hưởng số tiền đó chứ?”.

Cả ba người mang Ha-tim đến cho nhà Vua. I-ra-him và vợ anh ta cũng đi với họ: Cả hai muốn giúp đỡ Ha-tim, nhưng họ chẳng biết làm gì cả.

Khi đến cung điện, nhà Vua thấy Ha-tim liền reo mừng: “A! Ha-tim đây rồi! Ai trong số các ngươi tìm ra hắn?” Áp-đun nói: “Tôi tìm ra hắn!”. Ra-mát nói: “mày chỉ thấy trước thôi, còn tao thấy hắn trước”. Kát-sim nói: “Không phải mày, chính tao thấy hắn trước tiên. Tao nhìn thấy hắn từ xa. Tao thấy trước mày”.

I-ra-him đứng buồn bã nhìn Ha-tim, vừa nghĩ cách giúp đỡ ông ấy.

Rồi nhà vua hỏi Ha-tim : “Ai trong số họ sẽ được ta thưởng vàng? Ai đã tìm ra ngươi?”.

Ha-tim nói: “Tâu bệ ha! Không có ai trong số ba tên này đã tìm ra tôi.” Đoạn Ha-tim nhìn qua I-ra-him và nói tiếp: “Người đàn ông nghèo khổ này đã tìm ra tôi. Xin nhà Vua hãy thưởng tiền cho anh ấy đi !”.

Nhà Vua lên tiếng: “Nào! Đến đây! Tên ngươi là gì?”. – “Tâu Bệ hạ, tôi tên I-ra-him”. Nhà Vua hỏi: “Ngươi đã tìm ra Ha-tim à?” – “Không, thưa Bệ hạ”.

Nhà Vua ngạc nhiên: “Ngươi không tìm ra! Vậy thì ai tìm ra?” – “Tâu Bệ hạ, không ai tìm ra Ha-tim cả!”.

Rồi I-ra-him tình thật kể lại đầu đuôi câu chuyện: “Ha-tim nghe vợ tôi nói: ‘Chúng ta quá nghèo. Chúng ta không có tiền. Giá mà chúng ta có 500 đồng tiền vàng, chúng ta sẽ hạnh phúc biết dường nào!”. Thế là ông ta bước ra khỏi hang nơi ông ta trốn, và nói: ‘Hãy mang ta đến cho nhà Vua đi. Ông ấy sẽ cho các ngươi 500 đồng tiền vàng’. Nhưng chúng tôi sẽ không làm việc đó đâu!”.

Nhà Vua nhìn Ha-tim và nói: “Ngươi sẽ chết để cho người đàn ông nghèo khổ này và vợ của hắn hạnh phúc sao?”. Ha-tim trả lời: “Tôi già rồi, và tôi không muốn sống lâu thêm nữa. Họ còn trẻ, và có thể họ còn nhiều năm tháng hạnh phúc phía trước”.

Thế là nhà Vua biết rằng Ha-tim là một người tốt bụng.

Nhà Vua nói: “Lại đây, Ha-tim! hãy ngồi cạnh bên Ta. Người có thể giúp đỡ ta rất nhiều để làm một vị Vua tốt”.

Nhà vua ra lệnh cho cận thần: “Đánh Áp-đun 166 roi; đánh Ra-mát và Kát-sim mỗi người 167 roi”.

Sau đó nhà Vua nói với I-ra-him: “ Hãy cầm lấy 500 đồng tiền vàng, và hãy sống hạnh phúc ”.

Trích TRUYỆN CỔ PHƯƠNG ĐÔNG

Take the five hundred pieces of gold and be happy

CHIA SẺ MỘT CHÚT SUY TƯ

Bạn đọc thân mến !

Trên đây là chuyện Cổ tích. Chuyện cổ tích thường bao giờ cũng “có hậu”. Đó là khát vọng thâm sâu của con người về giá trị của những điều Chân Thiện.

Đọc lại những trang sách xưa, ngay cả những sách giáo khoa, bao giờ “lời người xưa” cũng chiếm một vị trí quan trọng trong sự giáo dục con người hướng về những giá trị tinh thần chân chính.

“Lời dạy của người xưa” được gởi gắm qua kho tàng truyện cổ tích, qua ca dao tục ngữ, qua những tác phẩm nghệ thuật dân gian bất tử.

Ngay từ khi còn tấm bé mới bập bẹ làm quen với tuổi sách đèn, đứa bé đã nằm lòng câu thơ thật đơn sơ mà không thể có vần thơ nào thay thế hay hơn được : “Công cha như núi Thái Sơn, – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, – Một lòng thờ mẹ kính cha, – Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Ngày xưa, trong những đêm trăng diệu hiền, dưới áng trăng bàng bạc thần tiên, bọn trẻ vây quanh ông bà để nghe các cụ kể những câu chuyện cổ tích, thật dễ hiểu, gần gũi và hấp dẫn làm sao.

Thế giới chuyện cổ tích như một ngôi đền bí ẩn, đưa tuổi thơ vào trí tưởng tượng bao la, đầy sáng tạo, hồn nhiên và ẩn chứa nhiều bài học phong phú về đạo lý làm người.

Tuy chuyện nào cũng như chuyện nào, hầu như cũng kết thúc là “làm lành gặp lành, làm dữ gặp dữ ”. “Tích Thiện phùng Thiện”. “Gieo gió gặt bảo”, “quả báo nhãn tiền !”… Có thể đón biết trước là ‘nhân vật chánh’ đó thế nào cũng thoát nạn, kẻ gian ác thế nào cũng đền tội… vậy mà đứa nào cũng chết mê chết mệt ngồi nghe chăm chỉ quên cả thời gian trôi qua.

Tôi có đứa em gái bà con, khi còn nhỏ nó mê chuyện cổ tích lắm, mỗi lần ông ngoại tôi kể nó cứ lết riết vô gần sát ngoại tôi, thiếu điều ngồi trong lòng ổng luôn. Cứ tới đoạn tình tiết hấp dẫn, nó hay xen vô câu chuyện : “Sao lúc đó ông vua không chặt đầu tên đó cho rồi vậy, ngoại ? – Sao cô tiên không bóp cổ đứa bé hỗn xược đó vậy, ngoại ?”. Nó vỗ đùi, nó la lên… cái nết nó dữ lắm! Câu chuyện cứ như vậy mà bị cắt ngang hoài ! Đứa nào cũng bực bội nó !

Ông bà cụ xưa hầu như ai cũng thế, thích kể chuyện cho con cháu, rồi lồng vào đó những lời khuyên khi con cháu đang nhập tâm nghe chuyện: “Con thấy không, lừa thầy phản bạn như Bàng Quyên là chết không toàn thây đó !”. “Con thấy chưa, cuối cùng “Trần Minh khố chuối” cố gắng học mà đổ đạc làm quan đó ! Và tuổi thơ đã lớn lên từ những bài học sống động đó…

Ngày nay, những bài học kiểu xưa như kể trên gần như không còn nữa ! Những chuyện phim trên truyền hình hấp dẫn hơn nhiều. Tiệm game mọc lên như nấm. Những trò chơi game đầy ma lực cuốn hút tuổi thơ và đưa tuổi thơ vào một thế giới đầy bạo lực, chết chóc, kinh hoàng, và cả những hình ảnh bẩn thỉu, dâm ô, không thể nào tưởng tượng nổi ! Những mặt tích cực chỉ là lác đác vài bông hoa trong một rừng dầy đặc cỏ dại và gai góc. Biết bao đứa bé đổ vỡ về việc học, biết bao con em quay trở lại muộn màng khi tuổi thơ hồn nhiên và đáng yêu đã tan nát.

“Chúng tôi đã cho kiểm tra và thấy, 77% trò chơi game hiện nay là đánh nhau, giết người, 9% là cờ bạc, chỉ 14% là có yếu tố tích cực”, Phó Thủ tướng, (Nguyễn Thiện Nhân) người đứng đầu ngành giáo dục cung cấp số liệu “giật mình”.(tinsang.com.vn).

Học sinh đâm chém nhau đến gây án mạng, lôi nhau ra đường đánh nhau, xé quần xé áo nhau rồi quay phim đưa lên web. Trò mướn xã hội đen đánh thầy vì thầy không cho điểm không tốt, chận đường đánh cô vì cô la rầy làm mất mặt với bạn bè. Những tin tức đại loại như vậy nào đâu phải là chuyện cá biệt, nó tràn ngập trên báo chí, trên Internet như cơm bữa.

Đạo đức học đường tuột dốc đến mức ngỡ ngàng, những tiếng kêu báo động của những tấm lòng thiện chí tan loãng trong thinh không ! Những người có trách nhiệm tự biện hộ lòng vòng, đùng đẩy đung đưa thật là khó hiểu !

Có phải người ta vẫn thấy thực trạng xã hội ngày nay như vậy, cùng với tiếng kêu S.O.S. của nó, nhưng đã hết thuốc chữa phải không ? Không còn thuốc chữa hay không còn ai có trách nhiệm ?

Có thể nghe thấy nhiều ý kiến như thế này ở khắp nơi:

“Đạo đức xã hội xuống cấp tới mức báo động”

“Hơn 80% số đối tượng bị Công an TP và các quận huyện bắt là thanh thiếu niên, trong đó có không ít học sinh, sinh viên. Mặt trái của cơ chế thị trường, của giá trị vật chất mới và những trò giải trí hiện đại là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng thanh thiếu niên hư hỏng ngày càng nhiều”.

Theo phân tích của Công an TP, một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên ở độ tuổi có tâm sinh lý phức tạp, thể lực sung mãn, tâm hồn nhạy cảm, dễ kích động lại không được giáo dục, định hướng rõ ràng nên dễ dẫn tới hành động theo cảm tính. Nhiều thanh thiếu niên sẵn sàng dùng hung khí, gậy gộc hay đao kiếm để chứng tỏ mình là “anh hùng” khi có mâu thuẫn rất nhỏ như ăn nhậu, giành bạn gái, mâu thuẫn khi chơi game…

(vietgiaitri.com)

Trở lại câu chuyện trên, ta rất dễ nhận ra những “con người tốt bụng”. Lòng tốt được đáp trả bằng lòng tốt. Ha-tim thật sự muốn tốt cho I-ra-him, và I-ra-him cũng thật sự muốn tốt cho Ha-tim.

Nhà Vua cũng không phải là một ông Vua xấu. Có thể vì nhà Vua ở Hoàng Cung, được bao bọc bởi bá quan văn võ chỉ biết cúi đầu tung hô vạn tuế, nên những thông tin về Ha-tim không chính xác. Vua bị “nhiễu sóng ”, không thể nhận được hình ảnh trung thực của Ha-tim. Đó không phải chỉ là chuyện đời xưa, đó còn là chuyện đời nay nữa. Nó không phải chỉ là chuyện đời, nó cũng là chuyện đạo nữa.

Cuối cùng thì tấm lòng tốt của Ha-tim cũng được nhà Vua nhận ra. Chân lý được sáng tỏ. Chân lý chiến thắng. Những kẻ tranh dành danh lợi tom góp cho cá nhân cũng lộ nguyên hình. Và cuộc đời, thời nào cũng có rất nhiều những kẻ trục lợi bằng lòng tham như Áp-đun, Ra-má, Kát-sim trong câu chuyện kể trên.

I-ra-him đã nhận được 500 đồng tiền vàng, không phải vì có công tố cáo một tên tội phạm, mà vì chứng minh được một con người tốt.

Hoàn toàn khác với những đồng tiền bất nhân bất nghĩa mà nhiều người đã tạo ra nó trong một xã hội mà nền đạo lý đang trên đà tuột dốc đáng sợ hôm nay !

500 đồng vàng, chiếc “cúp” chiến thắng của một cuộc đua giữa THIỆN và ÁC, giữa những con người tốt bụng và những con người gian xảo.

500 đồng vàng, những đồng tiền hạnh phúc thật sự, đúng như lời nói kết thúc khi nhà Vua “trao giải ” cho I-ra-him : “hãy cầm lấy 500 đồng vàng, và hãy sống hạnh phúc !”.

Chìa Khóa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

LinkedIn
Instagram
FbMessenger
Tiktok
URL has been copied successfully!