Quên hết lỗi lầm

Quên hết lỗi lầm

Tôi biết gia đình ông bà White khi tôi còn là sinh viên đại học năm thứ nhất. Gia đình ông bà hoàn toàn khác với gia đình tôi, thế mà khi ở đây tôi vẫn cảm thấy thoải mái như ở nhà. Jane và tôi là bạn học cùng trường, và gia đình cô ấy cư xử với tôi như với một người bà con lâu ngày gặp lại.

Trong gia đình tôi, khi có điều gì không hay xảy ra thì điều quan trọng là phải tìm ra người đã gây lỗi lầm.

Mỗi khi thấy nhà bếp bừa bộn, mẹ tôi thường hét lớn: “Ai làm thế này?”.

Còn khi thấy máy rửa bát bị hỏng thì bố tôi cứ nhất định rằng: “Đây là lỗi của con, Katharine à!”.

Từ khi còn nhỏ, anh chị em tôi đã có thói quen đổ lỗi cho nhau. Chúng tôi còn định ra một chỗ ngồi dành cho người có lỗi tại bàn ăn tối.

Nhưng gia đình ông bà White thì không hề bận tâm đến việc lỗi phải gì cả. Họ đã bỏ qua mọi lỗi lầm và tiếp tục cuộc sống của mình. Tôi đã thấm nhuần lối sống đẹp đẽ này vào mùa hè năm Jane chết.

Ông bà White có sáu người con: ba trai, ba gái. Một người con trai mất lúc còn bé, có thể vì thế mà năm anh chị em còn lại sống rất hòa thuận với nhau.

Vào tháng Bảy, mấy chị em nhà White và tôi quyết định đi chơi xa bằng xe hơi, khởi hành từ nhà họ ở Florida đến New York. Hai cô chị lớn là Sarah và Jane đều là sinh viên đại học, và cô út là Amy vừa bước qua tuổi 16. Là người vừa được sở hữu tấm bằng lái xe nên Amy rất nóng lòng thực hành khả năng lái xe của mình trong chuyến đi này. Với nụ cười khúc khích đáng yêu, cô ấy hồ hởi khoe bằng lái với bất kỳ ai mà cô gặp.

Hai cô chị thay phiên nhau lái chiếc xe mới của Sarah khi vừa khởi đầu cuộc hành trình, và khi đến khu vực thưa thớt dân cư, họ để cho Amy lái. Khi đến một ngã tư có biển báo dừng, không biết do Amy bất cẩn, nôn nóng hay do cô ấy không thấy biển báo dừng xe mà cô ấy vẫn cứ thế tiếp tục vọt thẳng chứ không chịu dừng lại. Tài xế của chiếc xe tải lớn không thể thắng kịp nên đã tông thẳng vào xe chúng tôi.

Jane chết ngay tại chỗ.

Tôi may mắn sống sót và chỉ bị vài vết bầm. Điều khó nhất là tôi phải gọi điện cho ông bà White và báo với họ về tai nạn cũng như về cái chết của Jane. Tôi rất đau đớn khi mất đi một người bạn, và tôi biết rằng ông bà White còn đau đớn hơn khi mất đi một đứa con.

Khi ông bà White đến bệnh viện, họ thấy hai đứa con gái còn sống sót của mình nằm chung một phòng. Đầu Sarah thì quấn băng còn chân Amy bị bó bột. Hai ông bà ôm chầm lấy chúng tôi và khóc nức nở, đó là những giọt nước mắt đau khổ vì phải mất đi một người con và cả những giọt nước mắt sung sướng khi còn được gặp lại những đứa con còn lại của mình. Họ lau nước mắt cho con và còn cười ghẹo Amy khi cô ấy tập đi nạng.

Ông bà White lặp đi lặp lại nhiều lần với hai cô con gái, nhất là với Amy rằng: “Bố mẹ rất mừng là các con vẫn còn sống.”

Tôi rất đỗi ngạc nhiên. Không một lời buộc tội. Không một lời trách cứ.

Về sau, có lần tôi hỏi ông bà White vì sao họ chẳng bao giờ nhắc đến chuyện Amy đã lái xe vượt biển báo dừng để tai nạn đã xảy ra.

Bà White trả lời: “Jane mất đi, chúng tôi thương nhớ nó vô cùng. Chúng tôi có nói gì, có làm gì thì Jane cũng không sống lại được. Còn Amy thì có cả một tương lai phía trước. Làm sao nó có thể sống yên vui khi cứ cảm thấy tội lỗi về cái chết của chị mình?”.

Quả nhiên là họ đã đúng. Amy tốt nghiệp đại học và sau đó vài năm thì lập gia đình. Cô dạy tại một trường dành cho trẻ khuyết tật. Amy cũng là mẹ của hai cô con gái nhỏ, đứa đầu được đặt tên là Jane.

Tôi đã học được ở ông bà White rằng quy trách nhiệm cho người có lỗi chẳng phải là điều quan trọng lắm. Đôi lúc, điều đó lại chẳng có ích gì.

Kathy Johnson Gale
Trích từ “Chicken Soup for the College Soul – Dành cho học sinh sinh viên”
 First News và NXB Trẻ

Chìa Khóa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *